Lời nguyện Thánh Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Kitô (bài 5)

Các Tin Mừng thường xuyên trích dẫn Cựu Ước và đặc biệt là các Thánh Vịnh. Một cách chính xác, chúng ta có thể đếm được 16 trích dẫn Thánh Vịnh theo nghĩa chặt (không tính những ám chỉ) trong Tin Mừng Matthêu, 11 trong Tin Mừng Maccô, 17 trong Tin Mừng Luca và 10 trong Tin Mừng Gioan[1]. Những câu nói chắc chắn có xuất xứ từ các Thánh Vịnh, thì rất nhiều nhưng khó có thể liệt kê ra hết được. Điều này giả thiết rằng các tác giả Tin Mừng đã phải có một hiểu biết uyên bác về Kinh Thánh, và vì thế, đòi hỏi những cuộc khảo sát cũng phải uyên bác.

Tuy nhiên, đằng sau những tương quan phức tạp về mặt văn chương này, ẩn dấu một kinh nghiệm đơn sơ hơn, đã được chia sẻ bởi các chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng và những người đầu tiên nghe loan báo Tin Mừng. Một kinh nghiệm đơn sơ, nhưng lại là nền tảng cho đức tin của chúng ta.

  1. Sự tương hợp

Kinh nghiệm này có thể được phát biểu như sau: cuộc đời và cái chết của Đức Giêsu-Kitô đối với các chứng nhân, như hoàn tất một chương trình, như mang dấu vết của một sự tương hợp.

  1. Sự tương hợp lạ lùng

Thực vậy, ý thức về một chương trình được hoàn tất, được diễn tả trong công thức “Để cho Kinh Thánh được hoàn tất”. Thánh Gioan rất thích dùng công thức này: Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36 ; các Thánh Vịnh được trích dẫn trong cả năm câu này và tất cả đều được hiểu như những lời loan báo về cuộc Thương Khó. Những trích dẫn khác diễn tả sự kinh ngạc, gây ra bởi sự tương hợp rất đánh động[2]. Sự kinh ngạc được bộc rộ ra trong câu hỏi :

Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao:
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”?
(Mt 21, 42)

Trong đoạn văn này, thánh Matthêu đã trích Tv 118, 22-23; thánh Maccô và thánh Luca cũng làm như thế (Mc 12, 10-11; Lc 20, 17). Trong trường hợp này, cũng là để nói về cuộc Thương Khó, bởi vì bối cảnh là các người lãnh đạo ở Giêrusalem muốn loại trừ Đức Giêsu. Bản văn được dành cho những người đối thoại trực tiếp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài; bản văn một cách thường xuyên cũng ngỏ với người đọc Tin Mừng, giả thiết cũng đã đọc Thánh Vịnh. Bản văn diễn tả hai ngạc nhiên :

– Đấng Messia đã đến rồi và khuôn mẫu sống động cho chân dung của Ngài được các Thánh Vịnh phác thảo, vẫn luôn có đó ; bức chân dung của Ngài không phải do sáng tác hay do tưởng tượng.
– Ngài đã đến và tôi để cho Ngài đi qua mà không nhận ra Ngài, trong khi tôi có bức chân dung của Ngài.

Sự ngạc nhiên là yếu tố chính yếu của biến cố Đức Kitô, được chờ đợi bấy lâu và nay đã đến. Người ta có thể phản bác rằng hoàn tất một chương trình, hoặc nói theo Kinh Thánh một “kế hoạch”, hay tương hợp với một khuôn mẫu, điều đó đâu mang lại được sự mới mẻ gây chưng hửng ; ngược lại, điều đó dường như gần hơn với sự lập lại, tính cứng nhắc, và cuối cùng là sự chán ngán ! Dù đây là sự tương hợp với một chương trình hay với một chân dung, nhưng cách thức các chứng nhân Tin Mừng phát hiện cho thấy rõ đó là một sự tương hợp tuyệt đối lạ lùng; phải nói rằng đó là một tương hợp hết sức bất ngờ. Sự tương hợp này được ẩn dấu, bởi vì người ta đã không khám phá ra ngay. Đây là một nghịch lý, nghịch lý hơn mọi nghịch lý bình thường.

  1. Kinh nghiệm và lời chứng

Tin Mừng đã mang tới và vẫn còn mang tới hôm nay một tin vui : Ngài đã đến, Đấng chưa hề được biết đến, Đấng mà tôi hằng mong đợi ; Ngài đã đi qua, người mà tôi đã có được vài đường nét về Ngài. Đó chính là niềm xác tín và Tin Mừng Gioan cho chúng ta một ví dụ về diễn tiến của niềm xác tín này. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói :

Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới,
chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.
(Ga 1, 45)

Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” Tất cả những gì chúng ta học được qua lời loan báo như thế này, đó là chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu, nhưng không đủ để thuyết phục nguời khác, trong đó có chúng ta. Người ta thường nói là phải đối thoại, nhưng ở đây đối thoại cũng chẳng giải quyết được. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn những dẫn chứng mà người này đưa ra. Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael : “Hãy đến và xem”. Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước những dẫn chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm.

Chúng ta có thể thực hiện được kinh nghiệm mà các tác giả Tin Mừng mời gọi không, khi họ trích dẫn các bản văn của Cựu Ước và nhất là của sách Thánh Vịnh ? Khi các Tin Mừng thiết lập những tương quan gần gũi giữa cuộc Thương Khó của Đức Giêsu (bởi lẽ đây là điểm chính yếu) và những lời loan báo mang tính ngôn sứ của sách Thánh Vịnh, chúng ta có cảm thấy mình bị đụng chạm không ? Kinh nghiệm của Nathanael chuẩn bị cho chúng ta đối diện với một số trở ngại.

  1. Các trích dẫn Thánh Vịnh

Trong phần này, chúng ta sẽ cố gắng đi lại hành trình nhận ra sự tương hợp lạ lùng vừa được trình bày ở trên, bằng cách khảo sát năm trích dẫn Thánh Vịnh trong Tin Mừng Gioan[3].

Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.

Thánh Gioan đã trích Tv 41, 10 để cho thấy sự phản bội của Giuđa đã hoàn tất lời Kinh Thánh (Ga 13, 18). Và cũng như thế đối với Thánh Vịnh 35 (hay Tv 69):

Chúng ghét con vô cớ.

Thánh Gioan đã trích Tv 35, 19 (hay Tv 69, 5), vì nhìn ra ở đó lời tiên báo về sự thù ghét của thế gian đối với Đức Giêsu và và đối với Cha của Ngài (Ga 15, 25). Còn về sự kiện phân chia y phục và bắt thăm áo dài, thánh Gioan trích Tv 22, 19:

Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
cả áo trong cũng bắt thăm luôn.

Giống như ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gioan làm nổi bật sự kiện quân lính chia nhau y phục của Đức Giêsu, nhưng ngài còn thêm vào một chi tiết về chiếc áo dài : “Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (Ga 19, 23). Và như trong Tv 69, 22, Đức Giêsu khát và được cho nhấp giấm chua (Ga 19, 28-30):

Con khát nước, lại cho uống giấm chua.

Và sau cùng, xương chân của Ngài không bị quân lính đập gẫy (Ga 19, 31-36), để hoàn tất Tv 34, 21 :

Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.

Trong những tương hợp nêu trên, đa số mang đặc tính phổ biến: sự phản bội của bạn bè, lòng ghen ghét chống lại người công chính, cơn khát của người chịu nhục hình, kể cả sự kiện những người canh giữ chia chác y phục của nạn nhân. Bởi lẽ đã có biết bao người từng trải qua những tình cảnh như vậy. Họ đã trải qua những chuyện như thế trước Đức Giêsu, bởi vì các Thánh Vịnh hát lên những khổ đau có thực ; và còn biết bao người khác cũng đã chịu cùng những nghịch cảnh như thế sau Đức Giêsu. Điều lạ lùng là, khi có được bức chân dung của người công chính đau khổ trong các Thánh Vịnh và ở những nơi khác, các chứng nhân đã có thể nói, lúc chứng kiến Đức Giêsu đau khổ, rằng các bản văn này đã nói về Ngài, rằng các bản văn này đã được hoàn tất bởi chính Ngài, chứ không phải bởi một ai khác. Trong khi bức chân dung đó có thể áp dụng được cho biết bao những trường hợp khác !

Bên cạnh những nét phổ biến nói trên, Tin Mừng Gioan cũng nêu ra một số nét đặc thù : Giuđa chia sẻ bánh trong bữa tiệc ly chính vào lúc Satan nhập vào ông (Ga 13, 27), điều này có lẽ nhằm làm nổi bật trích dẫn Tv 41, 10 trước đó. Chiếc áo dài không có đường khâu của Đức Giêsu được lưu ý đặc biệt so với những y phục khác; nhờ thế, khuôn mẫu của Tv 22, 19 được mô phỏng sát hơn. Chân của Đức Giêsu không bị đập gẫy, điều này làm cho Ngài tránh khỏi số phận chung; xét cho cùng, chỉ có điểm này làm nên dấu chỉ đặc thù trong toàn bộ các dẫn chứng về người công chính đau khổ mà thánh Gioan đã thu thập đuợc. Nhưng chúng ta phải nói rằng như vậy là quá ít để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai!

III. Những dấu hiệu

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận dữ kiện này: Đức Giêsu đã được nhận ra với những chi tiết này, hoặc ít là nhìn nhận dữ kiện này: những chi tiết này đã được ghi lại ; vậy điều đó có nghĩa là gì ? Tiếp đến, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng những chi tiết này không tạo thành một bằng chứng, hay nói thẳng ra rằng chúng rất chủ quan ! Tuy nhiên, một chứng từ lại bao gồm những chi tiết như thế. Thực vậy, khi các chứng nhân được hỏi: “Anh đã nhận ra Ngài khi nào?” Bình thường họ sẽ trả lời: “Khi Ngài bẻ bánh” (x. Lc 24, 31) ; “Thế còn anh?” – “Khi chúng tôi bắt được nhiều cá” (x. Ga 21, 7)… Những câu trả lời như thế không có nghĩa là sự kiện bẻ bánh hay bắt cá là những “bằng chứng” khách quan về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Tương tự như thế, không phải bởi vì Đức Giêsu đã nhấp giấm chua mà Ngài hoàn tất các Thánh Vịnh, nhưng chính khi trình thuật hay cảnh tượng đau đớn này được so với một Thánh Vịnh mà những người tin đầu tiên đã hiểu ra : “Đó là Đức Chúa !”

Vì thế, những dấu hiệu này rất có giá trị, ngay cả khi chúng không phải là những bằng chứng[4]. Chúng cho chúng ta biết làm thế nào các chứng nhân đã tin. Tuy nhiên, các chứng nhân sẽ nói với chúng ta như Philiphê nói với Nathanael : “Hãy đến và nhìn” ; các chứng nhân không nói : “hãy thuận theo những lý chứng của tôi”, nhưng nói : “khi hiểu được tôi đã tin như thế nào, chính bạn, bạn hãy lên đường!”

Các chứng nhân Tin Mừng đưa ra các dấu hiệu liên quan đến đức tin của họ, khởi đi từ Sách Thánh cổ xưa, họ không đưa ra các bằng chứng. Nhưng các chứng nhân dẫn đưa người nghe đến điều mà chính người này sẽ tìm ra. Đó là vì không ai có thể chỉ cho người khác yếu tính của chân lý, bởi lẽ chân lí chỉ có một bằng chứng là chính mình[5]. Người này chỉ có thể mời gọi người kia lên đường, bằng cách cho biết mình đã đi con đường này rồi. Những người Samari đã nói như thế với người phụ nữ, vốn là người trước đó đã mang lại cho họ chứng từ đầu tiên về Đức Kitô :

Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Ga 4, 42)

Nếu các chứng nhân đã dẫn chúng ta đến với lời chứng của Cựu Ước, đó là vì có điều gì đó phải đón nhận ngang qua những bản văn này; ở đây, một cách chính xác, đó là lời chứng về Đức Giêsu-Kitô cần được đón nhận ngang qua các Thánh Vịnh. Thực vậy, Đức Giêsu đã nói: “Chính về tôi mà Môsê đã viết” (x. Ga 5, 58; cf. 1, 45) và lời này của Ngài sẽ phải được mở rộng ra cho tất cả Kinh Thánh. Nhưng chân lý mà chúng ta sẽ tìm ra bằng con đường này, chúng ta được mời gọi làm cho trở nên chân lý của chính mình. Thật vậy, lời loan báo về Đức Giêsu-Kitô trong các Thánh Vịnh chỉ có thể đánh động chúng ta nếu đó cũng là một lời loan báo của chính chúng ta. Lời loan báo sẽ khác nhau tùy theo mỗi ngôi vị và từng thời đại khởi đi từ cùng những bản văn Kinh Thánh, trong đó có các Thánh Vịnh.

  1. Khuôn mẫu của Đức Ki-tô và chúng ta

Các chứng nhân Tin Mừng, dựa trên khuôn mẫu của Sách Thánh, đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Duy Nhất. Đó thực sự là một nghịch lý! Nhiều nhà chú giải thông thái vốn từ chối mọi so sánh như thế, đã phản bác kiên quyết : “Làm gì có khuôn mẫu của Đấng Duy Nhất !”. Nhưng chẳng lẽ các tác giả Tin Mừng lại hết sức tha thiết truyền đạt cho chúng ta một nhận thức quá ư mỏng dòn và bấp bênh đến thế ! Chúng ta hãy cố hiểu các vị.

Các tác giả Tin Mừng đã trình bày một nghịch lý thuộc kinh nghiệm: có một khuôn mẫu cho Đấng Duy Nhất; các vị không trình bày những bằng chứng dành cho lý trí thuần túy. Các Thánh Vịnh mô tả người công chính như là người bị phản bội, bị lột trần, bị ghét bỏ, bị loại trừ. Đức Kitô giống như người công chính ấy, vốn hiện hữu nơi biết bao nhiêu trường hợp tương tự thuộc mọi thời. Nhưng Đức Kitô khác người công chính này, bởi vì ngài là tất cả những điều đó một cách trọn vẹn. Trọn vẹn vừa theo nghĩa Ngài mang vào mình mọi nghịch cảnh của thân phận con người (x. Mt 8, 17), vừa theo nghĩa Ngài là nạn nhân tuyệt đối, bởi lẽ Ngài là Đấng Công Chính tuyệt đối (x. Ga 15, 25). Kinh nghiệm này không được chứng minh, nhưng chỉ được cảm nếm và đón nhận. Ngài chỉ có thể là Đấng Duy Nhất nếu Ngài bị phản bội và loại bỏ một cách trọn vẹn.

Đức Giêsu-Kitô phải có một khuôn mẫu, bởi vì Ngài đã đến mang lấy hình ảnh của chúng ta. Khuôn mẫu của Đức Giêsu-Kitô, chính là sự yếu đuối của chúng ta. Với tập sách nhỏ Thánh Vịnh trong tay, trong đó khuôn mẫu được phác họa, khi đứng trước con người Đức Giêsu, ai có thể nói được rằng khuôn mẫu được thực sự thể hiện ? Chắc phải có một kinh nghiệm nào đó về khuôn mẫu để có thể nói Đức Giêsu có phải là chân lý của khuôn mẫu hay không. Các Tin Mừng đã trả lời câu hỏi này theo nhiều cách. Các Tin Mừng nói rằng phải trở nên nghèo khó hay phải chịu thử thách để có thể hiểu được Đức Giêsu có phải là người nghèo trọn vẹn hay không. Các Tin Mừng cũng nói rằng Thiên Chúa phải kêu gọi để người ta có thể nhận ra Đức Giêsu-Kitô trong khuôn mẫu của Ngài : bởi lẽ, chỉ có Đấng Hoàn Hảo mới mặc khải được Đấng Hoàn Hảo mà thôi.

Đường đời, trọn vẹn đường đời chứ không một phần, của chúng ta là thành phần thuộc về hành trình đức tin của chúng ta. Vì thế, nhận ra hoạt động của Thánh Linh trong Kinh Thánh, chính là nhận ra hoạt động của Thánh Linh nhằm dẫn đưa chính chúng ta đến với Đấng Duy Nhất. Thánh Linh chứng thực trong Kinh Thánh rằng Đấng Duy Nhất không một mình và chúng ta cũng không một mình.

Đấng Duy Nhất đã theo khuôn mẫu của tất cả mọi người,
nhưng Ngài cũng là khuôn mẫu thu hút tất cả mọi người từ khởi nguyên.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  ——————–

[1] Qui chiếu chính xác về những câu Thánh Vịnh được trích dẫn trong các Tin Mừng, có thể tham khảo Michel Gourgues, Les Psaumes et Jésus, Jésus et les Psaumes, “Cahiers Evangiles”, số 25, Paris, Editions du Cerf, 1978, trang 62-63.

[2] Giống như khi chúng ta đi thăm một người chưa từng quen biết, lúc về mới chợt nhận ra người ấy trong một bức chân dung mà mình đã có từ lâu, nhưng đã không biết bức chân dung này là ai.

[3] Có các trính dẫn Thánh Vịnh khác trong Tin Mừng Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng ở đây chúng ta giới hạn việc khảo sát trong năm trích dẫn tiêu biểu.

[4] Những dấu hiệu, tự thân là yếu ớt, tùy phụ và dễ bị tổn thương, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng chúng có nhiều hiệu quả hơn những bằng chứng vững chắc để dẫn người ta đến với chân lý, khi chân lý này thuộc bình diện nhân linh.

[5] Để dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh với vị ngon và hương thơm của một loại trái cây mà chúng ta thích, chẳng hạn như trái soài. Chúng ta không thể đưa ra bằng chứng cho một ông Tây về hương vị của trái soài, mà chỉ có thể mời ông thực hiện chính kinh nghiệm thưởng thức trái soài mà thôi. Cũng vậy, chân lý không có bằng chứng nào khác ngoài chính bản thân của mình. Khi Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), Ngài không đưa ra bằng chứng để thuyết phục chúng ta rằng Ngài đúng là như thế, nhưng chỉ mời gọi chúng ta đi theo Ngài mà thôi. Chính khi đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng Ngài đúng là điều mà Ngài đã nói. Có lẽ đây là cách thức thích hợp để nói về Đức Kitô cho con người hôm nay, trong suy tư cũng như trong việc loan báo Tin Mừng.