Đời Người Là Một Cõi Đi Về

Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng ít nhất một lần từng chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt với người thân trong gia đình của mình. Có thể nói: đây là nỗi đau vô cùng lớn về mặt tinh thần, bởi từ đây giữa chúng ta và người thân yêu sẽ mãi là hai thế giới cách xa nhau. Sẽ không còn nhìn thấy nhau, không còn có những cuộc trò chuyện, hay những bữa ăn gia đình; có chăng chỉ là những hình ảnh đẹp, những ký ức thân thương về nhau mà thôi.

Thời gian cứ trôi qua, cuộc sống con người “cứ mãi chạy đua từng ngày”, khiến cho tôi không còn khoảng trống nào để nghĩ suy đến những người thân đã mất của mình. Chỉ có những dịp nào đó, tôi mới có cơ hội ra Đất Thánh để viếng và đọc hời hợt vài kinh để cầu nguyện cho họ. Đất Thánh quê tôi còn nghèo lắm! chưa được khang trang như những Đất Thánh ở thành phố Sài Gòn này hay một số nơi khác có điều kiện hơn. Có lần, tôi đã bị đánh động bởi câu biểu ngữ treo ở trước cổng vào Đất Thánh nơi tôi đến viếng: “Nay Tôi, Mai Bạn, xin cầu nguyện cho chúng tôi”. Tôi như chết lặng với những nghĩ suy và tự hỏi chính mình: “bấy lâu nay, mình sống vô ích vậy sao? chỉ nghĩ tới bản thân, nghĩ tới những sự ở trần gian này thôi sao? mình ích kỷ như vậy sao?”…Những người thân yêu của tôi cũng như những người ra đi trước tôi, họ là những người đã an giấc ngàn thu, chẳng thể làm gì được nữa ngoài những tháng ngày đền tội, họ trông chờ nơi những người sống giúp họ giảm bớt thời gian thanh luyện qua việc xin lễ, các việc lành phúc đức, giờ kinh, ý nguyện…hoá ra bấy lâu nay, tôi đã quên lãng những người thân yêu cũng như những linh hồn đang phải thanh luyện nơi Luyện tội, sự quên lãng này như bắt họ chết thêm một lần nữa vậy”. Tôi nghe tiếng lương tâm mình mách bảo.

Tôi nhớ đến hình ảnh hai chiếc quan tài và hai nấm mồ, một của người giàu có, một của người nghèo, đây là hai hình ảnh so sánh về cái chết, khi chết đi rồi con người chẳng mang theo được gì, tất cả bằng nhau hết, chẳng còn gì ngoài nấm mồ, tất cả đều trở về với cát bụi; và điều quan trọng là họ còn lại gì sau cái chết mà thôi. Hai hình ảnh có vẻ như chỉ để so sánh và giúp con người ý thức được phận người trong cuộc sống, chỉ cần sống tốt với nhau, giúp đỡ nhau và chia sẻ cho nhau chứ khi chết đi rồi thì chẳng mang theo được gì ngoài hai bàn tay trắng. Đối với niềm tin của người Công Giáo thì cái chết chưa phải là chấm hết, vì chúng ta nhận thấy được qua bài hát “Sự sống thay đổi mà không mất đi”, chắc hẳn nhạc sỹ Phanxicô với lời hát: “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi thì thấy tương lai”, cho ta khám phá ra được: cái chết không phải là chấm hết, nhưng là một sự khởi đầu. Khi kết thúc cuộc đời theo cách nhìn của người không có niềm tin vào Thiên Chúa thì chẳng còn gì sau nấm mồ lạnh lẽo; nhưng với người có đức tin thì sự sống chỉ thay đổi sau cái chết thay vào đó là một sự sống mới trong Đức Kitô. Điều này thật đúng như lời của thánh Phaolô nói: “chết là đi về sự sống vĩnh cửu, chết là gặp gỡ, gặp Đấng tạo dựng nên mình” (1 Cr 15, 54).

Truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như nhiều tôn giáo nói chung, chúng ta đều có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà, tổ tiên, dù họ đã khuất núi như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, lễ cầu siêu, lễ Vu Lan…mường tượng như các ngài vẫn hiện diện với chúng ta vậy. Và với người Công giáo, thì cũng có rất nhiều dịp trong năm để có thể tưởng nhớ tới những người thân yêu đã ra đi trước như những ngày giỗ, ngày mồng 2 tết. Đặc biệt, Giáo Hội dành riêng tháng 11 này để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, và cũng nhắc nhở những người tín hữu còn đang sống hãy biết suy nghĩ về cái chết mai sau. Với tôi, đây là dịp để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, những người đã ra đi trước mình qua việc cầu nguyện, làm việc lành, xin lễ, ý thức mọi việc làm dù rất nhỏ với ý chỉ dành cho các linh hồn. Ngoài ra, đây còn là dịp để tôi tự nhìn lại bản thân mình, cố gắng sống tốt hơn; đồng thời, ý thức được giá trị của cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi, và cũng là dịp để tôi luôn luôn tỉnh thức, luôn sẵn sàng trước mọi biến cố trong cuộc đời mình với xác tín rằng: “mỗi người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi”.

 Antôn Vũ Văn Đan