Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A: Hãy Trở Thành Con Đường Tốt Cho Chúa Ngự Đến

HÃY TRỞ THÀNH CON ĐƯỜNG TỐT CHO CHÚA NGỰ ĐẾN

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM A

(Is 11,1-10; Rm 15, 4-  9; Mt 3,1-12)

Mỗi khi chuẩn bị đón tiếp một vị khách đặc biệt nào đó, người ta thường hay thăm dò để biết vị thượng khách này thích những thứ gì, hầu đáp ứng nhu cầu để làm hài lòng khách đến chơi.

Cũng vậy, Đức Giêsu chính là vị Đại Thượng Khách. Ngài đến viếng thăm dân của Ngài. Không những thế, Ngài còn ở lại và đồng hành với mọi người. Vì thế, Gioan, trong vai trò là người chuẩn bị, ông đã làm những điều cần thiết để sửa soạn lòng dân đón đợi Đấng Cứu Thế đến một cách xứng đáng.

1. Uy tín của Gioan

Một trong những điều mà Gioan chú tâm và không ngừng lên tiếng, đó là sự sám hối, ông nói: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1); “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối ngay thẳng để Ngài đi” (Mt 3,3).

Lời mời gọi của Gioan cộng với đời sống gương mẫu nơi ông trong hoang địa đã khiến cho dân chúng từ khắp nơi, đâu đâu người ta cũng hướng về ông như một điểm quy chiếu. Cũng chính vì uy tín của ông nên lời mời gọi một khi cất lên, đã được hưởng ứng cách rất tích cực qua tất cả mọi thành phần.

Thật vậy, không chỉ những người bình dân học vụ đến nghe giảng, mà cả những người học thức sâu rộng; không dừng lại ở người thường dân, mà cũng rất nhiều binh lính; không chỉ với người nghèo mà cả giới thượng lưu; không chỉ người đạo đức, nhưng có luôn cả những người tội lỗi…

Tại sao Gioan lại hấp dẫn đến như vậy? Lời rao giảng sao lại hợp thời đến thế? Thưa, bởi vì nơi ông, ngôn hành thống nhất. Ông đã thực hành rồi mới nói. Quả thật, Gioan đã sám hối, ăn chay, hãm mình trước rồi mới khuyên răn người khác, vì vậỵ: “Hữu xạ tự nhiên hương” .

Khi đã thu phục được lòng dân, Gioan lên tiếng kêu gọi họ hãy sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Nói cách khác, sám hối chính là thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin Mừng.

2. Những ai cần phải sám hối?

Vào thời Gioan, khi ông cất tiếng kêu gọi dân chúng sám hối, người ta đã ùn ùn kéo đến với ông và nghe ông giảng. Người ta không cần phải thắc mắc xem: tôi có cần phải sám hối hay không? Nhưng lòng dân lúc này là: cần phải lãnh nhận phép rửa để tỏ lòng sám hối và quay trở về với Thiên Chúa.

Còn thời nay, lời mời gọi của Gioan có còn trở nên cấp bách hay không? Ai là người cần sám hối?

Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta cần phải khẳng định ngay rằng: lời mời gọi của Gioan: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1); “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối ngay thẳng để Ngài đi” (Mt 3,3), vẫn rất thời sự và khẩn thiết ở mọi thời.

Tuy nhiên, khẩn thiết là vậy, cấp bách là thế, nhưng con người ngày hôm nay lại xem thường đến độ dửng dưng. Họ viện đủ mọi lý do để không cần phải sám hối, hay sống như vậy là đủ rồi…

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến thái độ tự mãn như vậy chính là không biết mình, nhưng lại đề cao cái tôi.

Nếu không biết mình thì không thể sám hối được. Cũng vậy, nếu đề cao cái tôi sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo. Biết mình chính là điều cốt yếu trong hành trình sám hối. Từ bỏ cái tôi chính là biết ý thức giới hạn của kiếp con người.

Nhà hiền triết Socrate đã khởi đầu triết thuyết của mình bằng câu châm ngôn “Anh hãy tự biết mình” (Connais-toi, toi même). Ông nói như thế là vì nếu không biết mình thì không thể nào phát huy cái tốt và loại trừ cái xấu được. Không biết mình thì chẳng khác gì: “Vô tri bất mộ”. Những người không biết mình thì không hề biết sai trái để mà sửa, cũng chẳng cần biết những điều hay mà học. Vì thế, người ta rất sợ những người không biết mình. Vì thế có câu: điều làm ta sợ nhất chính là “người không biết sợ”. Nói cách khác: “Sợ nhất là người không biết mình”.

Khi họ không biết những giới hạn của mình, lúc đó, họ ung dung và coi mình là “đệ nhất đế vương”, là “cái rốn của vũ trụ”.

Thấu hiểu được lòng dạ con người, vì thế, thời xưa Gioan đã kêu gọi mọi thành phần cần phải sám hối để quay trở về với Thiên Chúa. Không ai là người tinh tuyền đến độ không cần phải sám hối. Thì ngày nay, cũng lời mời gọi ấy, Gioan tiếp tục kêu mời mỗi người chúng ta cần phải sám hối để được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì đã là con người, không ai là người vô tội.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Lời Chúa hôm nay làm cho chúng ta nhớ lại suy tư của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Đấng Cứu Độ Nhân Trần số 4, ngài viết: “Con người là con đường của Giáo hội”.

Nói cách khác, mỗi người là một con đường. Ngang qua con đường ấy, Thiên Chúa có thể đi vào cuộc đời của ta và đi đến với tha nhân.

Tuy nhiên, muốn cho con đường ấy được xứng đáng để đón Chúa ngự đến, chúng ta hãy thực thi những gì mà Gioan đã kêu gọi dân chúng khi xưa.

Nếu con đường tâm hồn chúng ta đầy rẫy những sự hận thù, chia rẽ, ghen ghét, nói hành nói xấu, thì giờ đây, hãy thay thế nó bằng con đường của yêu thương, bác ái, hiệp nhất, chân thành.

Nếu lòng dạ chúng ta không trong sạch, mà là đầy những âm mưu đen tối, lừa thầy, phản bạn, gian dối lọc lừa, luôn trách móc, than phiền và lợi dụng nhau, thì giờ đây, hãy thay vào đó một trái tim nhân hậu, một lối sống công bằng, liêm chính, trung thực, nhất là ý ngay lành.

Nếu lựa chọn của chúng ta là sống huênh hoang, tự đắc, kiêu ngạo, coi khinh người khác, ham mê danh vọng, tiền bạc và sắc dục, thì giờ đây, hãy thay vào đó một tâm hồn khiêm nhường, yêu thương, tôn trọng anh chị em thật lòng, sống trong sạch và biết từ bỏ…

Nếu thái độ chúng ta đang thờ ơ, lãnh đạm, dửng dưng trong mối tương quan với Thiên Chúa và vô cảm với nhu cầu và sự liên đới với anh chị em, thì giờ đây, hãy thay vào đó một ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, yêu anh chị em như chính mình.

Nếu chúng ta can đảm để cho lời mời gọi của Gioan chạm đến tâm hồn, trái tim và khối óc của mỗi chúng ta, thì chắc chắn mỗi người sẽ là một con đường xứng hợp để cho Thiên Chúa đi vào cuộc đời của mình và đến với tha nhân.

Lạy thánh Gioan Tiền Hô, lời mơi gọi của ngài đã vang lên cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên, ngày nay chúng con vẫn thấy rất cấp bách và ý nghĩa trong thời đại mà chúng con đang hiện diện. Vì thế, xin ngài bầu cử cho mỗi người chúng con biết sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón nhận lời mời gọi của ngài để biết sám hối, ngõ hầu tâm hồn được trở nên xứng đáng đón Chúa ngự đến trong cuộc đời của chúng con cũng như đại lễ Giáng Sinh sắp tới. Amen.

Tu sĩ: Jos.Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.