Cây Sự Sống

CÂY SỰ SỐNG

Câu chuyện Kinh thánh được bắt đầu trong một khu vườn, nơi mà Thiên Chúa và con người cùng chung sống với nhau. Các tác giả Kinh thánh đã muốn chúng ta nhìn khu vườn này như một kiểu đền thờ. Chóp đỉnh, trung tâm của khu vườn là nơi thiêng liêng nhất, “Nơi Cực Thánh”, nơi Thiên Chúa hiện diện cách rõ ràng, mãnh liệt nhất và đó là nơi chúng ta tìm thấy Cây Sự sống.

Như thế, cây này thực sự diễn tả điều gì? nó đại diện cho sự sống và quyền năng sáng tạo của chính Thiên Chúa và Ngài đã trao ban sự sống và quyền năng ấy cho con người. Trên thực tế, lệnh truyền đầu tiên của Thiên Chúa đó là con người được ăn tất cả các loại cây trong vườn, kể cả cây sự sống. Như thế, bạn đang được ăn sự sống của chính Thiên Chúa và điều đó chẳng tầm thường chút nào. Đúng vậy, bữa ăn này biến đổi người ăn, hay nói theo cách của câu chuyện: việc ăn trái này dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Thế nhưng, trên đường đi đến Cây Sự Sống, con người phải đi ngang qua một cái cây khác có tên là Cây biết lành biết dữ. Thiên Chúa nói rằng việc ăn trái của cây sẽ giết chết bạn. Làm sao điều này có thể xảy ra được? Chà! Việc lựa chọn ăn trái cây này thể hiện bạn có quyền để làm những gì được coi là tốt theo nhãn quan của riêng bạn thế nhưng khi con người thực hiện hành vi đó … nó sẽ dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối tương quan, dẫn đến bạo lực và cái chết. Và đây là vấn đề, mặc dù cả hai cây trông đều đẹp, thế nhưng một trong số chúng lại là cây sự sống giả hiệu. Kết quả của câu chuyện là con người đã lựa chọn hái trái từ cây sự sống giả hiệu và rồi họ đã bị đày ra khỏi Khu Vườn vì sự tốt lành (tốt lành theo nhãn quan của riêng họ) mà họ đã lựa chọn.

Sau khi con người bị đuổi ra khỏi khu vườn chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Liệu có ai có thể quay trở về với Cây Sự sống không? ở phần sau của câu chuyện, chúng ta bắt gặp một người đàn ông tên là Mô-sê, ông ta gặp gỡ Thiên Chúa trong một cái cây sa mạc, trên đỉnh của một ngọn núi. Có phải bạn muốn nói đến bụi cây đang bốc cháy, nơi mà Môi-sê được nói cho biết rằng ông đang đứng trên đất thánh? Đúng vậy, đó là một cái cây trên núi tỏa ra sự sống và quyền năng của Thiên Chúa, giống như cây sự sống. Và Đức Chúa đã nói với Mô-sê rằng: hãy mang dân tộc của ngươi lên ngọn núi này và chúng ta có thể lập nên một mối tương quan giao ước. Thế nhưng, chính mối tương quan này sẽ buộc con người phải đưa ra lựa chọn: Họ sẽ đi theo các vị thần do chính tay họ tạo ra hay lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa đích thực? Và trong câu chuyện này, con người tiếp tục dành lòng trung thành của họ cho một tượng thần hư ảo. Và đó chỉ là cái đầu tiên trong số nhiều câu chuyện bội phản khác.

Câu chuyện Kinh Thánh tiếp tục cho thấy từ thế hệ này qua thế hệ khác người ta vẫn cứ lựa chọn các vị thần do chính họ tạo ra và rồi họ thường đặt những thần tượng này trên những ngọn đồi cao, giống như những cái cây xinh đẹp. Thế nhưng, chúng chỉ là những cây sự sống giả hiệu dẫn dắt dân chúng vào sự tự diệt vong, lưu đày và chết chóc. Nó cũng giống như sự kìm kẹp của tử thần đối với chúng ta. nó quá mạnh để chúng ta có thể kháng cự lại.

Tuy vậy, sau tất cả, có chút hy vọng nào không?

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang câu chuyện của Đức Giê-su, Ngài đã đến để loan báo rằng: qua Ngài sự sống đời đời của Thiên Chúa đã có thêm một lần nữa. Vì thế, Đức Giê-su đã tự ví mình như là Cây Sự sống. Vâng, đây là điều mà Ngài muốn diễn tả khi Ngài nói Ngài là cây nho mang sự sống của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Đức Giê-su đã mời gọi mọi người đến mà ăn, Ngài vẫn đang mời mọi người tin tưởng nơi Ngài và được nên biến đổi bởi sự sống của Ngài. Thế nhưng, Đức Giê-su cũng tỏ lộ cho chúng ta thấy rằng con người đã hư hỏng đến mức nào, họ yêu mến những cây sự sống giả hiệu đến dường nào. Và như vậy, Đức Giê-su đã đưa ra trước mắt con người một sự lựa chọn mới: giữa sự sống hoặc cái chết. Đáng tiếc thay, lần này con người không chỉ lựa chọn cái chết, thế nhưng họ còn lựa chọn tấn công chính Đấng duy trì tất cả sự sống. Đúng vậy, Đức Giê-su đã được dẫn lên đỉnh đồi, nơi ngài chết trên một cái cây. Cây Thập tự giá chính là kết quả đau thương và bạo lực của việc con người muốn làm điều tốt – thế nhưng đó chỉ là thứ điều tốt theo nhãn quan riêng của họ.

Dường như, Cây Sự sống đã bị khuất phục bởi sức mạnh của cái chết. Chà, có vẻ như vậy, thế nhưng Đức Giê-su đã nói rằng Ngài là hạt giống sự sống của Thiên Chúa. Hạt giống sẽ chết dưới đất, sẽ thối đi nhưng sau đó nó sẽ phát triển thành cây và sẽ đơm hoa kết trái. Vì vậy, để đánh bại sự chết, Đức Giê-su đã trải qua nó. Và giờ đây, Cây Sự sống mới này đang đứng trước tất cả chúng ta. Chúng ta có thể ăn trái từ cây ấy, nhưng điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta sẽ phải vượt qua cái chết như Đức Giê-su, cho phép con người cũ kỹ của chúng ta chết đi và để cho một nhân loại mới có thể phát triển ở nơi đó.

Đúng vậy, Đức Giê-su đã nói Ngài là cây nho và chúng ta là những cành nho của ngài. Vì thế, bạn không chỉ ăn trái từ cây này, thế nhưng bạn còn được mời gọi để trở thành một phần của cây. Việc trở nên một phần của cây giúp chúng ta sinh hoa kết trái, để cho sự sống và tình yêu thương của Ngài có thể lan tỏa qua chúng ta và qua những người khác nữa. Và như thế, câu chuyện Kinh thánh được kết thúc trong một khu vườn mới. Đây cũng là một loại đền thờ, với Cây Sự sống ở trung tâm, cây mang đến sự chữa lành và sự sống hằng cửu cho tất cả những người lựa chọn ăn trái từ nó.

Lê Tùy Vũ Đức Anh. SSP