Canh tân các hoạt động mục vụ theo viễn tượng truyền giáo

ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

Canh tân các hoạt động mục vụ theo viễn tượng truyền giáo

Hội Thánh giữa lòng lịch sử nhân loại luôn cần được đổi mới và thanh luyện (Ecclesia semper renovanda, purificanda). Có những giai đoạn Hội Thánh cần được canh tân trên bình diện luân lý, những lúc khác cần canh tân về giáo thuyết, hoặc về phụng vụ hay mục vụ. Ngày 24 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” để hướng dẫn Hội Thánh thực hiện việc Tân Phúc-Âm-hóa để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Trong tông huấn này, Đức Thánh Cha mời gọi thực hiện cuộc hoán cải trên bình diện mục vụ để mọi sinh hoạt của Hội Thánh mang định hướng truyền giáo.

Đây là niềm hy vọng và ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Tôi hy vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”.” (EG 25)1

“Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh. Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có tính truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp có tính lan rộng và cởi mở hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng “đi ra” và nhờ đó khơi dậy một lời đáp trả tích cực từ tất cả những ai được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài.” (EG 27)

Đức Thánh Cha đã đưa ra một hướng đi, một kế hoạch cho Hội Thánh. Để đáp lại lời mời gọi của ngài, Ban Giáo lý nêu lên đề tài để cùng nhau suy nghĩ và thực hiện: “Canh tân Hội Thánh bằng cách lấy truyền giáo làm mục tiêu cho các hoạt động mục vụ của Hội Thánh, hay: đặt mọi hoạt động mục vụ trong nhãn quan truyền giáo”.

Thật ra, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo, nên trong suốt 20 thế kỷ, Hội Thánh không bao giờ quên sứ mạng thiết yếu này. Tuy nhiên có những thời kỳ các hoạt động truyền giáo nhiều và đa dạng, nhưng cũng có nhiều giai đoạn hoạt động truyền giáo yếu ớt hoặc dường như dừng lại hay bế tắc. Trong bối cảnh của một thế giới tục hóa ngày nay, cần khai thông một con đường để Hội Thánh đi ra chia sẻ “niềm vui của Tin Mừng” cho nhân loại.

  1. Một Hội thánh lo bảo tồn

Trong những thế kỷ đầu tiên khi Hội Thánh mới khai sinh, ngay trong thời kỳ bị bách hại, ý thức truyền giáo rất mạnh mẽ, hoạt động truyền giáo rất hiệu quả, số tín hữu gia tăng rất nhiều. Lúc ấy Hội Thánh cũng quan tâm đến tổ chức phẩm trật, phụng vụ, giáo luật, v.v., nhưng đó không phải là ý nhắm trên hết. Trong thời kỳ này, Kitô giáo hiện diện và sinh hoạt chủ yếu như một sức sống, một linh đạo, một sức năng động phát xuất từ lòng tin vào Tin Mừng. Nhưng từ thế kỷ IV, khi Kitô giáo được nhìn nhận như là một tôn giáo hợp pháp, Hội Thánh dồn nỗ lực vào việc tổ chức quản trị và Kitô hóa đồng bào trong vùng nên ít nghĩ đến dân ngoại. Chính thánh Augustinô cũng không nghĩ đến việc truyền giáo cho các dân tộc chung quanh.

Hình như Hội Thánh càng phát triển về tổ chức thì ý thức truyền giáo lại càng yếu đi. Đây là một nghịch lý nằm trong chính công cuộc truyền giáo. Quả vậy, mục tiêu của truyền giáo ad gentes là thiết lập các cộng đồng Kitô giáo và xây dựng Hội Thánh địa phương ngày càng vững mạnh và trưởng thành. Nhưng chính lúc muốn củng cố Hội Thánh địa phương thì người ta lại bị cám dỗ dừng chân và không muốn lên đường đến với muôn dân nữa.

Cũng như các tông đồ sau ngày Phục sinh, nhiều Kitô hữu cũng “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” và tạo nên hình ảnh một Hội Thánh khép kín, một Hội Thánh dừng chân, một Hội Thánh buồn sầu. Chính lúc đóng khung vào mình thì Hội Thánh lại rơi vào vòng luẩn quẩn: càng lo củng cố tổ chức nội bộ thì Hội Thánh lại càng khép kín; càng khép kín không đến với muôn dân thì Hội Thánh lại càng không thể phát triển, các Kitô hữu càng mất đi sức sống và niềm vui Tin Mừng thì càng phải lo củng cố.

Tình trạng Hội Thánh đóng kín cửa bắt nguồn từ chỗ quan niệm Hội Thánh như một tháp ngà, một ốc đảo. Trong suốt nhiều thế kỷ trước Công đồng Vaticanô II, khi nói về Hội Thánh, người ta chú ý nhiều đến khía cạnh tổ chức xã hội với cơ cấu phẩm trật chặt chẽ. Quan niệm nặng pháp lý này đã giam hãm mọi sinh hoạt của Hội Thánh trong việc củng cố tổ chức, cơ cấu, luật lệ, nghi lễ, quyền bính. Lẽ dĩ nhiên người ta đã nói đến đức tin, nhưng lại nhấn mạnh công thức để tuyên xưng đức tin hơn tương quan cá vị sống động với Thiên Chúa. Bí tích vẫn luôn được cử hành, nhưng nghi thức cử hành được quan tâm nhiều hơn là đời sống mới do ân sủng bí tích đem lại. Tính chất mầu nhiệm của Thân Thể Đức Kitô không quan trọng bằng cơ cấu phẩm trật và quyền bính. Hội Thánh là quyền bính phẩm trật chứ không phải là Dân Thiên Chúa. Truyền giáo là kêu gọi lương dân trở về với Hội Thánh chứ không phải là Hội Thánh đến với lương dân để loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ.

Hậu quả của một quan niệm Hội Thánh nặng về cơ chế là một mục vụ mang tính bảo tồn: bảo vệ các tín điều, duy trì kỷ luật ổn định trật tự, củng cố quyền bính theo não trạng giáo sĩ trị, thiết lập những cơ chế để cai trị hoặc phô trương, đầu tư công sức vào các sinh hoạt như xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức nghi lễ long trọng. Hội Thánh khi đó được xem như một tổ chức theo mô hình của một xã hội trần thế, một công ty đa quốc gia được điều hành bởi các chuyên viên quản trị hành chánh.

Người tín hữu sống trong một Hội Thánh như vậy sẽ thiếu sức sống và không cảm thấy niềm vui. Họ có “cảm giác bực bội, tức giận và chán nản. Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh” (EG 2). Hậu quả của một mục vụ bảo tồn là Hội Thánh ngày càng yếu đi, cả về số lượng lẫn phẩm chất của đời sống Kitô hữu. Chúng ta có thể nhớ đến bao nhiêu anh chị em tín hữu hôm nay đang dần dà rời xa Hội Thánh. Tại nhiều nơi trên thế giới, Hội Thánh đang trong thời kỳ băng giá của mùa đông. Lẽ dĩ nhiên, có rất nhiều lý do đưa đến tình cảnh này, nhưng chắc chắn trong bầu khí nặng về củng cố tổ chức cơ cấu, nhiều Kitô hữu đã không cảm thấy niềm vui khi ở lại trong Hội Thánh. Thật là nghịch lý: khi lo bảo tồn để củng cố, người ta tưởng Hội Thánh ngày càng lớn mạnh hơn, nhưng thực tế lại cho thấy Hội Thánh ngày càng suy yếu.

Trong diễn văn nói với các giám mục Brazil ngày 28.7.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô dùng hình ảnh hai môn đệ Emmaus để nói về tình trạng những người xa rời Hội Thánh:

“Họ nghĩ rằng Hội Thánh, thành Giêrusalem của họ, không còn đem lại cho họ bất cứ điều gì có ý nghĩa và quan trọng cả. Có lẽ Hội Thánh tỏ ra quá yếu ớt, quá xa cách đối với các nhu cầu của họ, quá nghèo nàn trong đáp ứng đối với các quan tâm của họ, quá lạnh lùng, quá luẩn quẩn với chính mình, quá giam mình vào chính các công thức cứng nhắc của mình, có lẽ thế giới tỏ ra muốn biến Hội Thánh thành tàn dư của quá khứ, không đủ khả năng đối với vấn nạn mới nữa ; có lẽ Hội Thánh chỉ còn có thể nói với người ở tuổi ấu thơ, chứ không nói được với những người đã lớn khôn… Chúng ta phải làm gì? Ta cần một Hội Thánh không sợ phải ra ngoài lúc đêm khuya. Ta cần một Hội Thánh có khả năng gặp gỡ người ta ngay trên đường đi của họ. Ta cần một Hội Thánh có khả năng bước vào cuộc trò chuyện với họ. Ta cần một Hội Thánh có khả năng đối thoại với các môn đệ, sau khi bỏ Giêrusalem, đã lang thang vô định, cô đơn một mình, với nỗi thất vọng riêng, vỡ mộng bởi một Kitô giáo bị coi là khô cằn, là đất vô sinh, thiếu khả năng tạo ra ý nghĩa … Liệu ta có còn là một Hội Thánh có khả năng sưởi ấm lòng người? Một Hội Thánh có khả năng dẫn người ta trở lại Giêrusalem, đem họ về quê hương? Giêrusalem vốn là gốc rễ của họ: Thánh Kinh, giáo lý, bí tích, cộng đồng, tình bạn với Chúa, với Đức Maria và các tông đồ … Liệu ta có còn khả năng nói về các gốc rễ này bằng một cách có thể làm sống dậy cảm thức thán phục trước vẻ đẹp của chúng không?”2

Vì sống trong Hội Thánh mà không có niềm vui và sức sống, nên không mấy người có nhiệt tình và phấn khởi để chia sẻ niềm vui của đời sống Kitô hữu. Một Hội Thánh lo củng cố sinh hoạt nội bộ là một Hội Thánh khép kín không quan tâm đến cuộc sống con người trong trần thế và cũng không bận tâm đến sứ mệnh truyền giáo. Y. Congar đã nhận định rất chí lý: một tôn giáo không quan tâm đến thế giới thì hậu quả là thế giới cũng không cần quan tâm đến tôn giáo.

Vì không muốn cho Hội Thánh bị giam hãm mãi trong cái vòng luẩn quẩn khép kín nên Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Hội Thánh hãy “đi ra”.

  1. Một Hội thánh đi ra

Sau một thời gian khá dài suy yếu mờ nhạt, ý thức truyền giáo bắt đầu sống dậy từ đầu thế kỷ XX. Các phong trào công giáo tiến hành nhận ra rằng Kitô hữu có sứ mạng dấn thân vào xã hội để thánh hóa môi trường; nhiều cá nhân cũng như tập thể quan tâm nhiều hơn đến sứ mạng truyền giáo. Đến thời Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh xác tín về sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Hội Thánh lữ hành tự bản tính là thừa sai” (AG 2). Một đàng chính ý thức truyền giáo giúp Hội Thánh đổi mới ý thức về chính mình: Hội Thánh trước hết không phải là cơ cấu phẩm trật nhưng là toàn thể Dân Chúa được mời gọi kết hợp với Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể để trở thành bí tích – tức là dấu chỉ và khí cụ – của công trình cứu độ thế giới. Đàng khác, một khi nhận ra lý do hiện hữu của mình như là bí tích cứu độ, Hội Thánh không thể không lên đường đến với muôn dân. Hội Thánh theo lối nhìn của Vaticanô II không còn là một xã hội hoàn hảo cạnh tranh hoặc chống lại các cơ cấu của xã hội trần gian, nhưng đã vượt lên trên phạm trù xã hội để trở thành bí tích cứu độ, làm men và muối, trở thành sức năng động nâng đỡ và thúc đẩy thế giới đi tới cứu cánh của mình là Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phaolô VI đưa ra định hướng rất rõ: Mục đích của Hội Thánh là thuộc về Đức Kitô trọn vẹn để được trọn vẹn thuộc về nhân loại, ở giữa nhân loại, sống cho nhân loại. Hội Thánh không có mục đích nơi chính mình, không dừng lại nơi chính mình vì Hội Thánh không phải là cứu cánh.

Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II thúc đẩy Hội Thánh đi xa hơn khi nói về “tâm hồn và não trạng thừa sai”, cách riêng nơi các linh mục (RMi 67). Công cuộc loan báo Tin Mừng chỉ có thể thực hiện được nơi một người mà lúc nào lòng trí cũng bận tâm loan báo Đức Kitô cho tha nhân để rồi từ đó nhìn mọi sự theo lăng kính thừa sai và đưa ra những hoạt động cụ thể hữu hiệu cho việc loan báo Tin Mừng.

Cũng trên một tuyến đường thẳng ấy, như đã trích dẫn ở trên, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Hội Thánh không được quy về chính mình nữa, nhưng phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”. Hội Thánh phải có một chọn lựa căn bản là “chọn lựa truyền giáo”, phải để cho viễn tượng truyền giáo đổi mới mọi hoạt động, thói quen, cơ cấu, ngôn ngữ sao cho thuận lợi và phù hợp với công cuộc loan báo Tin Mừng.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo mà Hội Thánh nhận từ nơi Đức Kitô chính là nối tiếp sứ mạng duy nhất mà Đức Kitô đã nhận từ nơi Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Loan báo Tin Mừng không phải chỉ là một sứ mạng trong nhiều sứ mạng, cũng không chỉ là sứ mạng ưu tiên trên các sứ mạng khác, nhưng đó là sứ mạng duy nhất. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)

Hội Thánh của Đức Giêsu phải là một Hội Thánh “đi ra từ vùng đất tiện nghi của mình” (EG 20)”. “Trung thành noi gương Thầy mình, Hội Thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi.” (EG 23) Như Đức Kitô đã đi ra từ Chúa Cha và đã đến trong thế gian, Hội Thánh cũng lên đường đi ra đến với mọi người. Cũng như các Tông đồ, Hội Thánh cần vượt qua tình trạng “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa hình ảnh của một “Hội Thánh đi ra”:

“Hội Thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu chúng ta trước (x. Ga 4,19), và vì thế chúng ta có thể dấn bước, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề. Một cộng đoàn như thế có một ước muốn khôn nguôi là tỏ lòng thương xót, kết quả của kinh nghiệm bản thân của cộng đoàn về sức mạnh lòng thương vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy thử cố gắng hơn một chút để đi bước trước và dấn thân. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúa dấn thân và mời gọi các môn đệ dấn thân, khi Ngài cúi xuống rửa chân họ. Ngài bảo các môn đệ: “Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17). Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ. Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian. Trung thành với ơn Chúa, nó cũng sinh hoa kết quả. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng luôn luôn để tâm tới kết quả, vì Chúa muốn nó sinh hoa kết quả. Nó chăm sóc hạt giống và không mất kiên nhẫn với cỏ dại. Người gieo giống khi thấy cỏ dại mọc lên giữa hạt giống thì không càu nhàu hay phản ứng thái quá. Họ tìm cách để cho Lời được nhập thể trong một hoàn cảnh nhất định và phát sinh những hoa quả của đời sống mới, dù những kết quả này có vẻ chưa hoàn hảo hay đầy đủ. Người môn đệ sẵn sàng mạo hiểm đời mình, thậm chí chấp nhận tử đạo, để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng mục tiêu không phải là muốn có kẻ thù, mà là để thấy Lời của Thiên Chúa được chấp nhận và sức mạnh giải thoát và đổi mới của Lời được tỏ lộ. Sau cùng, một cộng đoàn loan báo Tin Mừng thì chan chứa niềm vui; nó biết cách để luôn luôn vui mừng. Nó ăn mừng trước mỗi chiến thắng nho nhỏ, mỗi bước tiến trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan toả lòng nhân hậu. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.” (EG 24)

Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh thực hiện một sự chọn lựa: chọn an toàn và bảo tồn hay chọn đi ra và dấn thân phục vụ người đang thiếu sự sống, sự sống tự nhiên cũng như sự sống của Đức Kitô.

“Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những quy tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6,37).” (EG 49)

Chọn lựa truyền giáo sẽ chi phối toàn thể mọi cơ cấu và mọi sinh hoạt của Hội Thánh. Viễn tượng loan báo Tin Mừng như một ngọn đèn vừa soi đường dẫn lối vừa xét xử thanh luyện mọi hoạt động của Hội Thánh.

Việc hoán cải mục vụ và truyền giáo là cần thiết, vì các cộng đoàn Hội Thánh ở mọi cấp chưa lấy việc loan báo Tin Mừng làm định hướng. Chúng ta đã tổ chức giáo phận và giáo xứ theo mô hình nào? Đã dành ưu tiên cho lãnh vực nào? Trong các sinh hoạt mục vụ, chúng ta đã đầu tư cho truyền giáo được bao nhiêu phần trăm thời giờ, công sức, nhân sự, tiền bạc, vật chất? Hình như việc xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các lễ mừng ngốn khá nhiều thời giờ, công sức và tiền bạc của chúng ta, nhưng kết quả cho truyền giáo lại rất thấp.

Phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa giáo xứ đến gần người dân hơn, biến giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo.” (EG 28)

  1. Canh tân hoạt động mục vụ

Để Hội Thánh thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng, cần thực hiện cuộc canh tân các hoạt động mục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị một cuộc “hoán cải” trên bình diện mục vụ. Hoán cải không phải chỉ là sửa chữa một vài lệch lạc hoặc bổ sung một vài thiếu sót, nhưng là định hướng lại, thay đổi tâm tư, nếp suy nghĩ và phán đoán, và huy động tất cả năng lực để thực hiện mọi hoạt động theo định hướng cơ bản ấy. Mọi hoạt động mục vụ của Hội Thánh từ nay phải làm sao nhắm tới mục tiêu loan báo Tin Mừng như là sứ mệnh thiết yếu và duy nhất, chứ không nhằm bảo tồn củng cố nội bộ Hội Thánh.

Tuy nhiên xét dưới một khía cạnh khác, đời sống Hội Thánh như một dòng chảy liên tục, không thể cắt đứt xóa bỏ hoàn toàn cái cũ để kiến tạo cái mới. Người khôn ngoan biết rút tỉa cái tốt từ những cái cũ. Cái cũ có thể được “hoán cải” khi đặt vào viễn tượng mới là Loan báo Tin Mừng.

Ưu tiên cho đào tạo nhân sự

Khi nói tới canh tân Hội Thánh theo viễn tượng truyền giáo, điều đầu tiên người ta thường nghĩ tới là tìm xem phải áp dụng phương pháp truyền giáo nào, học những chuyên đề gì, xây dựng các điểm truyền giáo ở đâu. Tất cả những điều ấy là tốt và cần thiết, nhưng đó không phải là chuyện ưu tiên. Điều cần phải làm trước hết là đào tạo con người. Nếu không đặt ưu tiên cho yếu tố con người, thì dù có nhiều kiến thức và các phương pháp hay đến đâu cũng không thực hiện được mục tiêu. Muốn di chuyển nhanh, cần xa lộ tốt, luật giao thông tốt, nhưng trước hết xe phải tốt.

Trong kế hoạch mục vụ theo viễn tượng truyền giáo, đào tạo nhân sự phải là ưu tiên. Nhưng đào tạo nhân sự không chỉ là trang bị kiến thức, dù là kiến thức thần học hay giáo lý. Trước hết phải có những con người đầy tràn “niềm vui của Tin Mừng”, đầy xác tín và hạnh phúc vì đã gặp được Chúa và có kinh nghiệm về tình yêu cứu độ của Chúa.

3.1 Một cộng đoàn đầy Thần khí

Chúa Thánh Thần là tác nhân chủ yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Cũng như Ngài đã hoạt động nơi Đức Kitô, chính Ngài cũng là linh hồn tác động Hội Thánh và ban cho môn đệ Đức Kitô tinh thần tông đồ truyền giáo, đồng hành với họ để nhắc nhở và gợi ý những điều phải làm phải nói. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã đứng dậy và ra đi loan báo Tin Mừng cho các dân tộc theo lệnh truyền của Đức Kitô.

Hội Thánh hôm nay muốn thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cũng cần đầy Thánh Thần. Nhưng ta chỉ có thể đón nhận Thánh Thần bằng cách cầu nguyện, “nài xin Ngài đến và đổi mới Hội Thánh, lay động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh bạo ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước” (EG 261).

Vấn đề đặt ra là cần lắng nghe Chúa Thánh Thần và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài, nhờ đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa.

Cuộc canh tân Hội Thánh theo viễn tượng truyền giáo đòi hỏi dành ưu tiên tuyệt đối cho cầu nguyện và chiêm niệm. “Tương lai của việc truyền giáo tuỳ thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm” (EAs 23). Các hoạt động mục vụ là cần thiết, và người tông đồ thường bị cám dỗ lăn xả vào hoạt động. Tuy nhiên Hội Thánh không phải là một tổ chức hoạt động tôn giáo theo mô hình xã hội mà còn là Thân Thể của Đức Kitô và là dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Hạt giống Tin Mừng lớn lên chủ yếu là do sức mạnh của Thiên Chúa chứ không do hoạt động của con người. Các Tông đồ ngày xưa đã dành ưu tiên cho cầu nguyện, “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”, và chính vì thế – chứ không phải vì các hoạt động khác – “Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên, số môn đệ tăng thêm rất nhiều” (Cv 6,4.7).

Một Hội Thánh truyền giáo phải “xuất phát lại từ Đức Kitô”. Cần đào tạo các Kitô hữu để họ biết chiêm ngắm Đức Kitô và hiệp thông vào sự sống của Ngài qua các bí tích, nhờ đó tương quan giữa họ với Đức Kitô trở nên mới mẻ, sống động. Đây chính là tiêu chuẩn để thanh luyện và định hướng cho các hoạt động mục vụ.

Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”. ” (EG 120)

Loan báo Tin Mừng chính là chiếu tỏa niềm vui được gặp Chúa và được Chúa biến đổi, chiếu tỏa sự hấp dẫn của tình thương cứu độ. Vì thế, người loan báo Tin Mừng phải là một vị thánh nhờ sự hoán cải liên tục để trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng. Đời sống thánh thiện của mọi thành phần Dân Chúa biểu lộ nét đẹp cao cả và hấp dẫn của Phúc Âm, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong giai đoạn mới.

3.2 Một cộng đoàn đầy tràn niềm vui và tình yêu

Loan báo Tin Mừng không phải là quảng cáo một sản phẩm tôn giáo, nhưng là chiếu toả niềm vui của người môn đệ Đức Kitô. “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.” (EG 1) Vì đã đích thân gặp được Tin Mừng là Đức Kitô, người môn đệ sẽ sống ơn gọi Kitô hữu cách sung mãn và hạnh phúc. Họ được thúc đẩy từ niềm vui bên trong để hăng say nhiệt thành chia sẻ tin vui cho anh chị em. Niềm vui tự lan tỏa. Một cuộc sống đã được biến đổi sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với người chung quanh.

Thực tế cho thấy nhiều Kitô hữu Việt Nam theo Chúa nhưng thiếu xác tín và hạnh phúc. Đời sống đạo nơi nhiều người thường theo thói quen truyền thống, hoặc ít nhiều bị áp lực từ gia đình và cộng đoàn, nên trở thành bất đắc dĩ, trì trệ, thiếu hứng thú. Chưa thể nói đến loan báo Tin Mừng khi các Kitô hữu chưa sống ơn gọi của mình cách xác tín và hạnh phúc. Vì thế canh tân mục vụ theo hướng truyền giáo bao hàm việc nỗ lực tối đa để đào tạo (“đào tạo lại”) Kitô hữu, nhất là qua việc thực hành cầu nguyện và tĩnh tâm.

Cùng với niềm vui, Hội Thánh chỉ có thể loan báo Tin Mừng khi hoán cải để “cống hiến một chứng tá rực sáng và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ” (EG 99). Nhiều cộng đoàn Kitô hữu “dung dưỡng những hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và ước muốn áp đặt một số ý tưởng bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng các hành động bách hại giống như những cuộc săn lùng phù thuỷ thực sự. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai nếu chúng ta hành động theo cách này?” (EG 100). Sự hiệp nhất các Kitô hữu là dấu chỉ và điều kiện tối quan trọng để thế gian tin vào Đức Kitô (x. Ga 13,35; 17,21).

Như vậy hoạt động mục vụ theo viễn tượng truyền giáo phải nhắm đến việc đào tạo các tín hữu trở thành chứng nhân bằng chính đời sống của mình. “Hình thức làm chứng đầu tiên là chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đoàn Hội Thánh, một cuộc sống giới thiệu một cung cách sống mới. Mọi người trong Hội Thánh nỗ lực bắt chước Tôn Sư của mình, đều có thể và đều có bổn phận phải làm chứng theo hình thức này. Nhiều khi, đó là cách duy nhất để truyền giáo.” (EAs 42)

3.3 Canh tân lời loan báo

Để có thể loan báo Tin Mừng, cần canh tân lời rao giảng của các linh mục cũng như việc dạy và học giáo lý. Mục vụ huấn giáo không chỉ nhằm cung cấp một số kiến thức về kho tàng đức tin của Hội Thánh, nhưng còn là dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ Chúa trong một tương quan cá vị, yêu mến Chúa, và từ đó thay đổi lối sống của mình theo ánh sáng đức tin.

3.4 Một cộng đoàn biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa

Trong viễn tượng truyền giáo, các sinh hoạt mục vụ nhắm thúc đẩy các Kitô hữu thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người ở “ngoại vi”. Đây là một từ ngữ được Đức Thánh Cha Phanxicô thường sử dụng.

Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (EG 20)

Hội Thánh loan báo Tin Mừng không phải bằng cách thuyết phục người khác về các luận đề tín lý, nhưng bằng cách cống hiến vẻ đẹp hấp dẫn của Tin Mừng.

Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới có thể lôi cuốn con người… Có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người tầm thường, mầu nhiệm bước vào họ qua ngả trái tim…3

Vẻ đẹp cao cả của Tin Mừng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Một chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc tới là những người ở ngoại vi của cuộc sống: những người bị gạt ra bên lề xã hội, những kẻ bị loại trừ, những người không có những điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm, những người nghèo đói bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần.

Không có chỗ cho sự hoài nghi hay những lời giải thích vốn chỉ làm yếu đi một sứ điệp rõ ràng như thế. Hôm nay và mãi mãi, người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng.” (EG 48)

Tôi thấy rõ: điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi, cận kề. Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Thật vô bổ khi hỏi người bị thương nặng xem họ có lượng mỡ cao hay không hay độ đường trong máu là bao nhiêu! Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói tới những chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương…”4

3.5 Tiếp xúc cá nhân

Một Hội Thánh nhiệt tình loan báo Tin Mừng luôn tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống để chia sẻ tình thương cứu độ. Đây là “bổn phận hằng ngày”.

Là môn đệ có nghĩa là luôn luôn sẵn sàng đem tình thương của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có thể xảy ra một cách bất ngờ và ở bất cứ đâu: trên đường phố, trong công viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường.” (EG 127)

Mục vụ của Hội Thánh cần huấn luyện các môn đệ biết đi đến gặp gỡ người khác. Thật là kỳ diệu khi được đọc những chỉ dẫn cụ thể của Đức Thánh Cha về “nghệ thuật” thăm viếng các gia đình (x. EG 128-129).

Chúng ta có nhiều đoàn thể công giáo tiến hành, nhưng các đoàn thể này đã làm những gì? Nhiều đoàn thể chỉ dừng lại ở tình trạng “bảo tồn”, củng cố nội bộ, đầu tư nhiều cho các sinh hoạt phụng vụ. Cũng đã có nhiều hoạt động bác ái cứu trợ, nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa. Cần thúc đẩy họ “đi ra” đến với các cá nhân, gia đình, và dấn thân vào xã hội.

3.6 Dấn thân cho công lý và hòa bình

Loan báo Tin Mừng là giới thiệu Đức Kitô cho nhân loại, một Đức Kitô đem lại sự sống viên mãn cho con người. Vì thế, có một mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người (x. EG 178). Tin Mừng luôn gieo âm vang trong đời sống xã hội và bao hàm một sự phản kháng đối với thế giới tội lỗi bất công và hận thù.

Đọc Kinh Thánh cũng cho ta thấy rõ rằng Tin Mừng không chỉ thuần tuý là về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cũng không được coi lời đáp yêu thương của chúng ta với Thiên Chúa như chỉ là tập hợp các nghĩa cử nhỏ bé và riêng lẻ của chúng ta đối với các cá nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, một kiểu gọi là “bác ái trên giấy”, hay một chuỗi các hành vi chỉ cốt làm cho lương tâm chúng ta khỏi áy náy. Tin Mừng là về Nước Thiên Chúa (x. Lc 4, 43); về yêu mến Thiên Chúa Đấng ngự trị trong thế giới chúng ta. Bao lâu Người ngự trị giữa chúng ta, đời sống xã hội sẽ là một môi trường của tình huynh đệ phổ quát, công lý, hoà bình và nhân phẩm. Vì vậy, cả việc rao giảng và đời sống Kitô giáo đều phải có một ảnh hưởng trên xã hội.” (EG 180)

Mục vụ trong viễn tượng truyền giáo cần đào tạo các Kitô hữu dấn thân mạnh mẽ hơn vào các hoạt động công lý và hòa bình theo “Học thuyết xã hội của Hội Thánh Công giáo”. Hơn bao giờ hết, hoạt động này là một việc hết sức khó khăn và tế nhị, cần lòng can đảm và khả năng phân định thiêng liêng, nhưng đó chính là một chứng từ có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với tất cả những ai đang khao khát một thế giới mới.

KẾT LUẬN

Trong thần học cũng như trong mục vụ, người ta thường phân biệt ba chức năng: ngôn sứ, tư tế, vương giả; từ đó có ba hoạt động: huấn giáo, thánh hóa, phục vụ-quản trị. Hoạt động truyền giáo thường được coi như một việc được thêm vào hoặc đứng bên lề sinh hoạt mục vụ. Cần phải đảo lại thứ tự: tất cả mọi hoạt động mục vụ đều phải được đặt trong viễn tượng duy nhất: Phúc-Âm-hóa thế giới.

Trong công cuộc Phúc-Âm-hóa này, một đàng Đức Kitô truyền lệnh đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng, nhưng đàng khác, Ngài cũng tuyên bố: “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8; x. Lc 24,48). Như vậy để chuyển đổi mục vụ của Hội Thánh sang viễn tượng truyền giáo, thiết tưởng điều ưu tiên phải là đầu tư đào tạo (form-er) nhân sự để “người môn đệ truyền giáo” thực sự trở thành “chứng nhân”. Một khi môn đệ thực sự là “Kitô” (hữu) – chứ không phải chỉ là môn đệ của Đức Kitô – Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện những điều kỳ diệu.

+ Giuse Nguyễn Năng
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 89 (tháng 7&8 năm 2015)

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN